Nổi mụn ở vùng kín là bệnh gì và có nguy hiểm không?
Nổi mụn ở vùng kín không chỉ gây khó chịu và tự ti cho chị em phụ nữ mà còn có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nghiêm trọng. Hãy cùng tìm hiểu để biết nổi mụn ở vùng kín là bệnh gì và có nguy hiểm không.
1. Nổi mụn ở vùng kín
Nhiều chị em gặp phải trường hợp vùng kín nổi mụn ngứa hoặc thậm chí vùng kín nổi mụn ngứa rát. Đây thường được cho là triệu chứng bất thường liên quan đến bệnh phụ khoa hoặc bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Vậy nổi mụn ở vùng kín là dấu hiệu của bệnh nào?
1.1. Bệnh sùi mào gà
Bệnh sùi mào gà là một bệnh xã hội được cho là khá nguy hiểm. Nguyên do chính là do virus Human Papilloma (HPV) gây nên. Chị em khi có quan hệ tình dục không an toàn với người nhiễm bệnh, sẽ xuất hiện tình trạng các nốt u, những nốt mụn thịt nổi lên ở người. Nếu thật sự gặp tình trạng này thì khả năng cao bạn đã mắc bệnh sùi mào gà.
Chị em khi bị virus HPV xâm nhập thì sẽ nổi mụn ở vùng kín. Các nốt mụn sẽ là mụn nước, mụn cóc có màu hồng hoặc màu giống với màu da. Kích thước nốt mụn sẽ tùy thuộc vào tình trạng mắc bệnh của từng người. Nếu tình trạng bệnh càng nặng thì các nốt mụn ở vùng kín cũng sẽ càng to và xuất hiện lên nhiều hơn.
Nếu nhiễm bệnh sùi mào gà thì ở giai đoạn đầu vùng kín nổi mụn không đau không ngứa. Nhưng nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời, đúng cách thì những nốt mụn sẽ liên kết lại với nhau thành mảng sùi lớn. Dần dần những mụn sùi mào gà sẽ gây ngứa, gây đau thậm chí cháy mủ và máu và dễ vỡ ra.
Nếu các chị em bị mắc bệnh sùi mào gà thì ngoài việc vùng kín nổi mụn bất thường ra, chị em cũng gặp phải một số những triệu chứng khác như:
- Khí hư ra nhiều và có màu sắc lạ cùng với mùi hôi khó chịu.
- Đau rát mỗi khi quan hệ tình dục hoặc có thể chảy máu trong quá trình quan hệ.
- Cơ thể thường mệt mỏi, thiếu sức sống, khó chịu,…
1.2. Mụn rộp sinh dục
Hiện tượng nổi mụn ở vùng kín cũng có thể là biểu hiện của bệnh mụn rộp sinh dục. Mụn rộp sinh dục cũng có dấu hiệu là vùng kín xuất hiện những nốt mụn nước nhỏ mọc li ti, rải rác hoặc cũng có thể mọc thành từng khu. Nguyên nhân gây bệnh là nhiễm khuẩn đường sinh dục do virus Herpes Simplex (HSV).
Bệnh mụn rộp sinh dục thường ủ bệnh từ 2 – 7 ngày. Qua thời gian này thì các nốt mụn nước sẽ xuất hiện trên lớp niêm mạc vùng cơ quan sinh dục. Mụn rộp sinh dục nếu không được chữa trị đúng lúc, kịp thời thì các nốt mụn này sẽ ngày càng phát triển nhiều hơn.
Các nốt mụn ở vùng kín do bệnh mụn rộp sinh dục sẽ gây cảm giác ngứa và khó chịu. Mụn thậm chí còn gây cảm giác nóng rát và có xu hướng vỡ ra. Nếu không may nhiễm bệnh, chị em có thể sẽ xuất hiện các triệu chứng như: Sốt, nổi hạch bạch huyết ở bẹn, đau đầu, mệt mỏi, thiếu sức sống.
1.3. Do gai sinh dục
Nổi mụn ở vùng kín cũng có thể là do gai sinh dục. Gai sinh dục là các tế bào gai có chức năng tiết lipid để giữ ẩm cho da ở cơ quan sinh dục. Nếu các tế bào này tăng sinh quá mức sẽ hình thành gai sinh dục. Nữ giới nếu bị gai sinh dục thì tại bộ phận sinh dục sẽ có các triệu chứng như:
- Các nốt sần nhỏ, mềm xuất hiện trên bề mặt có màu trắng hoặc màu đỏ, sần sùi và khi sờ tay vào có cảm giác ráp ráp ở tay.
- Các nốt mụn, u nhú gai sinh dục sẽ không gây ngứa hay đau.
- Nếu ở môi trường ẩm ướt, gai sinh dục sẽ phát triển nhanh hơn về kích thước và số lượng.
- Gai sinh dục thường hay bị mọi người nhầm lẫn với bệnh sùi mào gà hay mụn rộp sinh dục. Nhưng thật ra gai sinh dục không phải là bệnh lý, đồng thời cũng không do virus hoặc vi khuẩn gây nên. Vì vậy, mọi người đừng nhầm lẫn hiện tượng này với các bệnh lý như: Sùi mào gà hay mụn rộp sinh dục.
Gai sinh dục không gây nguy hiểm tới sức sức khỏe sinh sản nhưng nếu không may mắc phải cũng không được chủ quan. Gai sinh dục gây ảnh hưởng không ít đến tâm lý, làm người mắc cảm thấy ngại, mặc cảm, tự ti và còn nhiều phiền toái khác.
1.4. Do bệnh phụ khoa
Nổi mụn ngứa ở vùng kín hay vùng kín nổi mụn ngứa rát có thể là do các bệnh phụ khoa. Bệnh phụ khoa là các bệnh lý thuộc cơ quan sinh dục nữ, theo kết quả của nhiều nghiên cứu của Bộ y tế thì bệnh chiếm đến 70% chị em mắc phải. Nguyên nhân gây bệnh phụ khoa thường là do vi khuẩn, nấm, virus hoặc ký sinh trùng gây nổi mụn ở vùng kín.
Thường thì các chị em hay bị mắc các bệnh phụ khoa như: Viêm âm đạo, viêm cổ tử cung, viêm âm hộ, viêm buồng trứng, u xơ tử cung, viêm tử cung, tắc ống dẫn trứng… Nếu bị mắc bệnh phụ khoa, chị em có thể có những dấu hiệu như:
- Nổi mụn ở vùng kín
- Khí hư ra nhiều và tính chất khí hư khác với bình thường.
- Vùng kín ngứa ngáy, ẩm ướt và khó chịu.
- Khi quan hệ tình dục sẽ gây đau đớn, chảy máu âm đạo trong hoặc sau quá trình.
- Bụng thường đầy hơi, khó tiêu, đau vùng bụng, vùng đùi, hông, xương chậu.
Bệnh phụ khoa sẽ gây rất nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của các chị em, đặc biệt là sức khỏe sinh sản. Vì vậy, ngay khi thấy cơ thể có những biểu hiện khác thường thì không nên chủ quan và phải đến bác sĩ thăm khám và chẩn đoán bệnh kịp thời.
2. Các biện pháp giúp phòng ngừa mụn nhọt âm đạo là gì?
Không phải lúc nào bạn cũng có thể ngăn ngừa mụn nhọt âm đạo, đặc biệt nếu bạn bị suy giảm hệ miễn dịch. Có một số biện pháp bạn có thể áp dụng để làm giảm nguy cơ bị mụn nhọt âm đạo:
- Rửa sạch vùng kín bằng xà phòng diệt khuẩn để tránh vi khuẩn tích tụ và gây nhiễm trùng.
- Nếu bạn cạo lông mu, hãy cạo theo chiều lông mọc. Thay dao cạo thường xuyên vì dao cạo xỉn màu có thể làm tăng nguy cơ lông mọc ngược. Thay dao cạo hoặc lưỡi dao ba đến bốn tuần một lần. Lưu ý không dùng chung dao cạo với người khác
- Không dùng chung xà phòng, khăn tắm, khăn mặt hoặc các vật dụng khác chạm vào âm đạo của bạn.
- Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước và sau khi chạm vào bộ phận sinh dục.
- Thay quần lót hàng ngày và sau khi tập thể dục.
- Nhẹ nhàng tẩy tế bào chết vùng mu: Nếu bạn cạo hoặc tẩy lông vùng mu của mình, hãy giảm nguy cơ lông mọc ngược của bạn bằng cách tẩy tế bào chết nhẹ nhàng vùng này hai lần một tuần. Tẩy tế bào chết có thể giúp mở các nang lông bị tắc nghẽn và cho phép lông phát triển.
- Nếu bạn thừa cân, giảm cân có thể hữu ích vì vi khuẩn có thể tồn tại trên các nếp gấp của da
- Uống đầy đủ liệu trình thuốc kháng sinh: Nếu bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng, hãy hoàn thành toàn bộ liệu trình điều trị. Việc không tuân thủ đúng liệu trình kháng sinh có thể dẫn đến đề kháng và tăng nguy cơ tái nhiễm, thậm chí lần tái nhiễm sau sẽ nặng hơn cả lần đầu.
- Điều trị tụ cầu: Nếu bạn bị nhọt tái phát, bác sĩ có thể lấy mủ từ mụn nhọt và xét nghiệm để xác định vi khuẩn gây ra nhọt. Biết loại vi khuẩn gây bệnh có thể giúp bác sĩ điều trị và ngăn ngừa nhọt tốt hơn. Staphylococcus aureus là một loại vi khuẩn thường được tìm thấy trên da. Nó có thể khiến mụn nhọt tái phát nhiều lần và gây ra các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm khác. Nếu vi khuẩn này là nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ có thể chỉ định các liệu trình điều trị chuyên biệt cho nó.
Mụn nhọt ở âm đạo là một bệnh nhiễm trùng da phổ biến thường tự khỏi sau vài tuần. Tuy nhiên khi xuất hiện các triệu chứng cho thấy nhiễm trùng nghiêm trọng như sốt cao, nhọt sưng to, tái phát nhiều lần,… hãy liên hệ với các bác sĩ phụ khoa để được thăm khám và hỗ trợ điều trị kịp thời.
Bài viết này đã cung cấp đến các bạn những thông tin cần thiết về việc nổi mụn ở vùng kín. Nếu cảm thấy cơ thể có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào các chị em nên chú ý và sớm thăm khám ở các địa chỉ chuyên khoa và uy tín càng sớm càng tốt.