Hôi miệng: nguyên nhân thường gặp nhất và cách khắc phục

Hôi miệng không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe răng miệng mà còn khiến bạn tự ti, ngại giao tiếp hơn. Đây là dấu hiệu cho thấy sức khỏe răng miệng nói riêng cũng như sức khỏe tổng thể của bạn đang có vấn đề.

1. Cách kiểm tra tình trạng hôi miệng

Hôi miệng là tình trạng hơi thở có mùi hôi. Mùi hôi miệng ở mỗi người là khác nhau tùy vào nguyên nhân và bệnh lý gây ra nó.

Thực tế là không ít người hơi thở có mùi hôi nhưng hoàn toàn không hay biết về tình trạng của bản thân, có những người lại ám ảnh về hơi thở của mình. Vậy làm sao để biết rằng hơi thở đang có mùi hôi bất thường? Hãy hỏi người thân hoặc bạn bè xung quanh để có câu trả lời đúng nhất, ngoài ra có thể tự kiểm tra như sau: dùng bàn tay che hoặc một tờ giấy che trước miệng khoảng 5 cm, sau đó thở vào, hơi thở sẽ tập trung và được mũi hít vào. Khi đó bạn cũng dễ dàng ngửi thấy hơi thở của mình có mùi hôi hay không.

Hơi thở có mùi hôi phản ánh tình trạng sức khỏe răng miệng nói riêng và sức khỏe tổng thể nói chung không tốt, do vậy hãy thường xuyên kiểm tra để khắc phục sớm. Khi tình trạng này được khắc phục, bạn cũng sẽ tự tin hơn trong giao tiếp cũng như các mối quan hệ xung quanh.

2. Hôi miệng do những nguyên nhân nào?

Mùi hôi từ miệng phát ra là do sự giải phóng các hợp chất sulphur có mùi và dễ bay hơi, nguyên nhân gây xuất hiện các hợp chất này rất đa dạng. Về cơ bản có các nguyên nhân sau:

2.1. Hôi miệng do vi khuẩn

Những vi khuẩn kỵ khí phân giải protein gram âm tồn tại trong khoang miệng càng nhiều thì lượng khí Sulphur có mùi tạo ra càng nhiều và hòa vào hơi thở của bạn.

Việc vệ sinh răng miệng không sạch sẽ hoặc mắc các bệnh nha chu là nguyên nhân khiến vi khuẩn này có mặt nhiều trong khoang miệng gây hôi miệng.

2.2. Nguyên nhân gây hôi miệng tạm thời

Mùi hôi miệng có thể chỉ xảy ra nhất thời, có thể khắc phục nhanh do những nguyên nhân sau:

Do thực phẩm

  • Các thực phẩm chứa chất gây khô miệng, giảm tiết nước bọt thường khiến hơi thở có mùi hôi khó chịu như: thuốc lá, rượu, thực phẩm nhiều protein và lượng đường cao,…
  • Ngoài ra, hành tỏi là những gia vị có chứa hàm lượng chất sulphur cao, khi ăn vào chất này có thể xuyên qua lớp lót đường ruột vào máu, đi vào phổi và cuối cùng giải phóng ra ngoài cùng với hơi thở.

Hơi thở có mùi vào buổi sáng

  • Hơi thở có mùi vào buổi sáng khi ngủ dậy liên quan đến việc giảm sản xuất, giảm tiết nước bọt vào ban đêm khi ngủ. Điều này gây ra khô miệng tạm thời và mùi hôi miệng, sau khi đánh răng và vệ sinh răng miệng tình trạng này sẽ được khắc phục.
2.3. Nguyên nhân gây hôi miệng do nguyên nhân từ miệng

Nguyên nhân do bệnh lý, viêm nhiễm và nhiều vấn đề khác về răng miệng khá phổ biến, khiến nhiều người có hơi thở nặng mùi. Cần điều trị các bệnh lý này cùng với vệ sinh răng miệng sạch sẽ mới có thể khắc phục hoàn toàn.

Bệnh nha chu và nướu

  • Bệnh viêm nướu, viêm nha chu, viêm nướu hoại tử, lở loét cấp tính, viêm quanh thân răng, áp xe,… đều có sự gia tăng của vi khuẩn cùng với dịch mủ gây hôi miệng.

Vết lở loét ở miệng

  • Vết loét xuất hiện do ảnh hưởng của thuốc điều trị, nguyên nhân tại chỗ,… đều có thể gây mùi  hôi ở miệng.

Giảm tiết nước bọt

  • Giảm tiết nước bọt xảy ra ở những người dùng thuốc điều trị ảnh hưởng, hóa hoặc xạ trị, ngoài ra cũng liên quan đến tuổi tác và bệnh lý.

Vệ sinh răng miệng không tốt

  • Vệ sinh răng miệng không tốt, không loại bỏ hoàn toàn thức ăn thừa bám ở kẽ răng, mảng bám cao răng hoặc lớp cặn lưỡi khiến nấm phát triển sẽ dẫn đến mùi hôi miệng khó chịu.

Bệnh về xương

  • Bệnh về xương có thể gặp như viêm tủy xương, viêm ổ răng khôn, hoại tử xương,… đều có thể là nguyên nhân nghiêm trọng gây hôi miệng.
  • Ngoài ra, những người đang niềng răng khó vệ sinh răng miệng sạch sẽ, người sử dụng khí cụ, răng giả nếu vệ sinh không tốt sẽ gây lắng đọng nhiều mảnh vụn thức ăn. Các mảnh vụn này phân hủy sẽ giải phóng khí Sulphur gây hôi miệng.
2.4. Một số nguyên nhân khác

Hôi miệng có thể do những nguyên nhân ngoài miệng như:

  • Do thuốc điều trị: amphetamine, dimethyl sulphoxide, chloral hydrate,…

  • Do bệnh lý toàn thân: Rối loạn hô hấp, viêm mũi xoang,…

  • Do trào ngược dạ dày, nhiễm khuẩn HP,…

  • Bệnh tiểu đường, gan thận,… gây hôi miệng do làm rối loạn phân hủy mỡ trong cơ thể.

  • Hội chứng mùi cá ươn do di truyền.

3. Cách khắc phục và loại bỏ tình trạng hôi miệng

Cần tìm ra nguyên nhân khiến bạn bị hôi miệng và từ đó khắc phục để loại bỏ triệt để mùi hôi khó chịu. Nếu đang gặp phải tình trạng này, có thể áp dụng một số cách điều trị sau đây:

  • Đánh răng đều đặn và sạch sẽ ít nhất 2 lần mỗi ngày, nên đánh sau bữa ăn và thay đổi bàn chải sau 2 – 3 tháng sử dụng.

  • Làm sạch kẽ răng với chỉ nha khoa do bàn chải không thể loại bỏ hoàn toàn, cần dùng đúng cách để tránh gây tổn thương nướu.

  • Làm sạch dụng cụ răng như răng giả, niềng răng,… có thể sử dụng máy tăm nước hỗ trợ làm sạch dễ dàng hơn.

  • Cạo lưỡi hàng ngày khi đánh răng để loại bỏ thức ăn, vi khuẩn, tế bào chết tích tụ ở lưỡi.

  • Uống nhiều nước, tránh ăn thực phẩm gây khô miệng, giảm tiết nước bọt.

  • Chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều thực phẩm kích thích miệng tiết nước bọt như táo, mía, dâu tây, trà xanh, sữa chua,…

Nếu các biện pháp trên không giúp cải thiện mùi hôi miệng, nguyên nhân có thể phức tạp hơn, hãy đi thăm khám nha sĩ để được kiểm tra và điều trị. Việc khám và chăm sóc răng miệng tại nha khoa mỗi 6 tháng – 1 năm một lần là cần thiết để bạn có sức khỏe răng miệng tốt hơn.

Để lại một bình luận

Refund Reason

Chat Zalo Chat Facebook Chat Facebook