Rượu bia nói chung là những loại thức uống có chứa cồn được sử dụng rất phổ biến hiện nay. Chúng ta đều biết uống rượu bia sẽ có hại cho sức khỏe, nhưng thực tế có rất ít người hiểu được cặn kẽ cách thức rượu bia gây hại cho gan như thế nào?
1. Quá trình chuyển hóa rượu bia trong cơ thể
Rượu bia khi uống vào sẽ được hấp thu ở đường tiêu hóa: 20% tại dạ dày và 80% tại ruột non và đi vào máu. Khi vào cơ thể, chỉ có khoảng 10% lượng cồn từ rượu bia được đào thải qua nước tiểu, mồ hôi và khí thở.
Có đến 90% lượng cồn còn lại sẽ tiến thẳng đến gan. Tại đây, cồn sẽ được các tế bào gan xử lý và tiến hành quá trình khử độc trước khi đào thải ra ngoài. Tuy nhiên, khả năng khử độc của gan không phải là vô hạn, các tế bào gan khỏe mạnh chỉ có thể lọc được một lượng cồn hạn định trong mỗi giờ, nếu nồng độ cồn nạp vào cơ thể quá cao thì đòi hỏi gan phải mất nhiều thời gian hơn nữa để xử lý chúng.
Theo các nghiên cứu, gan sẽ giải độc được khoảng 7g cồn trong 1 giờ, như vậy để thải độc cồn của một lon bia 330ml thì mất trung bình 85 phút. Đó là với những lá gan khỏe mạnh bình thường, với những lá gan bị suy do bệnh lý hoặc lạm dụng rượu bia kéo dài thì khả năng lọc và thải độc của gan sẽ giảm đi rất nhiều.
Tại gan, dưới tác dụng của enzyme ADH, ethanol (cồn) có trong rượu sẽ chuyển hóa thành acetaldehyde, đây chính là chất chuyển hóa trung gian gây độc cho cơ thể. Tiếp theo đó, dưới tác dụng của các enzym khác tại gan, quá trình oxy hóa sẽ diễn ra giúp acetaldehyde biến đổi thành acid acetic, sau đó phân huỷ thành CO2 và nước đào thải ra ngoài.
Nếu tế bào gan hoạt động quá tải, cồn chuyển hóa thành acetaldehyde nhưng lại không tiếp tục chuyển thành acid acetic, khi đó acetaldehyde tích tụ sẽ là chất rất độc không chỉ cho gan mà còn độc thần kinh, thị giác, dạ dày, hệ tiêu hóa…
2. Tác hại của rượu đối với gan như thế nào?
Theo lý thuyết, rượu bia gây hại cho gan như thế nào? Sử dụng rượu bia dù là lượng nhỏ vẫn ảnh hưởng đến các enzyme chống oxy hóa của gan, khiến chúng bị suy yếu, khi đó hàng triệu gốc tự do sẽ được hình thành gây ra những chuỗi tác hại cho gan.
Trên thực tế, uống rượu bia lâu dài sẽ khiến gan sẽ dần thoái hóa, men gan tăng dẫn đến viêm gan, xơ gan, thậm chí tử vong do xuất huyết tiêu hóa, suy gan… Càng uống nhiều rượu bia thì nguy cơ mắc bệnh gan càng tăng. Một số bệnh gan phổ biến như sau:
2.1. Gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ là bệnh gan chiếm 90% các trường hợp bệnh gan do rượu. Lượng rượu bia nạp vào cơ thể quá nhiều thì lượng mỡ trong gan sẽ ngày càng tăng lên, nếu không phát hiện và điều trị co thể sẽ tiến triển thành viêm gan do rượu, xơ gan do rượu.
2.2. Viêm gan do rượu
Bệnh ở thể nhẹ thường không có triệu chứng nào điển hình, chỉ phát hiện mắc bệnh gan khi có bắt đầu có hiện tượng tăng men gan trong máu. Viêm gan do rượu mãn tính khiến tế bào gan bị suy yếu dần dẫn đến xơ gan.
2.3. Xơ gan
Xơ gan là tình trạng gan bị xơ hóa, các mô gan xơ thay thế mô bình thường, gan sẽ mất đi các chức năng vốn có. Các mô xơ còn ngăn cản sự lưu thông bình thường của dòng máu đến gan.
Quá trình này kéo dài mà không có biện pháp cải thiện sẽ dẫn đến sự gia tăng tế bào mô xơ vượt quá khả năng tái tạo của gan, hình thành mô sẹo vĩnh viễn không phục hồi. Ở bệnh nhân xơ gan nặng, hội chứng tăng áp tĩnh mạch cửa sẽ xuất hiện với triệu chứng: báng bụng, tuần hoàn bàng hệ… Nguy hiểm nhất là nguy cơ gây ung thư gan.
2.4. Ung thư gan
Đây là bệnh gan nguy hiểm nhất phát triển trên nền xơ gan, Hầu hết bệnh nhân ung thư gan chỉ phát hiện bệnh khi kích thước khối u lớn kèm theo các triệu chứng rõ rệt. Ung thư gan không điều trị sẽ tử vong sau 6 – 12 từ khi có triệu chứng đầu tiên, tiến triển suy gan nặng dẫn đến hôn mê gan, xuất huyết nghiêm trọng.
3. Biện pháp giúp bảo vệ sức khỏe của gan
Để phòng ngừa bệnh gan, điều quan trọng nhất là nên từ bỏ rượu bia. Với người nghiện rượu cần bắt đầu giảm bớt lượng rượu trong tuần.
Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung vitamin và khoáng chất, giảm việc sử dụng thuốc, thực phẩm có hại cho gan (đồ nóng, chiên, xào, nhiều gia vị…).
Tập thể dục thường xuyên để đốt cháy chất béo, giảm mỡ gan: tập aerobic, đi bộ, chạy xe đạp, bơi lội, tập tạ giúp cải thiện chức năng gan, tăng cường cơ tim, cải thiện lưu lượng máu khiến tim dễ dàng vận chuyển máu đến nuôi dưỡng gan.
Bên cạnh đó, để giảm thiểu tác hại của rượu bia, các chuyên gia khuyến nghị nam giới không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày, và không quá 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ, cả nam và nữ không uống quá 5 ngày/tuần. Trong đó, 1 đơn vị cồn tương đương 10g cồn nguyên chất trong dung dịch thức uống, tương đương với 3/4 lon bia 330ml (độ cồn 5%), 100ml rượu vang (độ cồn 13,5%) hoặc 30ml rượu mạnh 30ml (độ cồn 40%).
Nếu bệnh gan đã ở giai đoạn muộn, gan mất hoàn toàn chức năng, tế bào không thể phục hồi và biến chứng thành xơ gan, ung thư gan thì tỷ lệ tử vong rất cao. Phần lớn bệnh nhân phát hiện xơ gan, ung thư gan chỉ sống được từ 1-3 năm, do đó việc tầm soát bệnh lý gan mật mỗi 3-6 tháng là việc làm cần thiết.
Tiêm phòng các bệnh viêm gan do virus và trang bị kiến thức để tự bảo vệ bản thân khỏi lây nhiễm bệnh cũng là cách bảo vệ sức khỏe gan.